7 cuốn sách đem lại nguồn cảm hứng cho bản thân

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn hoặc tự hỏi những giám đốc, CEO, người nổi tiếng… tìm nguồn cảm hứng từ đâu để hoàn thiện bản thân mỗi ngày thì đây chính là câu trả lời ! Mỗi cuốn sách là một bài học cuộc đời xuất sắc mà ai cũng nên đọc và biết đến

1-  Đường ra biển lớn, tác giả Richard Branson

Với vẻ ngoài phong trần, “bụi bặm”, mái tóc bồng bềnh và luôn chỉ diện áo sơ mi cùng quần bò, ít ai nghĩ rằng Richard Branson – người đàn ông mang phong cách “hippi” – lại là một tỷ phú giàu có, sở hữu trong tay hơn 250 công ty lớn nhỏ với doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đô-la.

Ngay từ những ngày đầu mới chập chững bước đi trên con đường kinh doanh đầy chông gai, Richard Branson đã tự viết nên những quy tắc của riêng mình để xây dựng một hệ thống các công ty mang thương hiệu Virgin với mật độ hiện diện rộng khắp toàn cầu, nhưng lại không hề có trụ sở chính, không hề có hệ thống phân cấp quản lý và quan liêu. Cho đến hiện tại, rất nhiều nhà kinh tế học vẫn không thể giải thích vì sao và bằng cách nào Richard Branson có thể tạo nên được những kỳ tích không tưởng với mô hình quản lý kỳ lạ như vậy.

Richard Branson đã đem đến cho nhân loại hình mẫu mới về một doanh nhân năng động, chăm chỉ và thành công cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống hàng ngày. Đối với ông, gia đình, bạn bè, hạnh phúc cùng những chuyến phiêu lưu mạo hiểm luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời.

Đường ra biển lớn không đơn giản chỉ là một cuốn tự truyện, cuốn sách còn là kho tàng ẩn chứa những triết lý về cuộc sống, kinh doanh cũng như tình yêu, thứ đã đồng hành và giúp Richard Branson làm nên những kỳ tích phi thường suốt hơn 25 năm qua. Từ lĩnh vực hàng không (Virgin Atlantic Airways), cho tới kinh doanh băng đĩa nhạc (Virgin Records và V2), từ các sản phẩm đồ uống Cola (Virgin Cola), cho tới chuỗi cửa hàng bán lẻ (Virgin Megastores) cùng hàng trăm thương hiệu nổi danh toàn cầu khác.

Có thể nói, tác phẩm chính là một cuốn phim khái quát và đầy đủ nhất giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về con người, cuộc sống cũng như chặng đường vươn lên trở thành ông chủ đế chế Virgin đầy quyền lực của một trong những doanh nhân vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Đối với Clive Jackson, Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Victor, doanh nghiệp chuyên cung cấp máy bay – chuyến bay tư nhân thì một cuốn sách hay phải đáp ứng được hai tiêu chí: Cái nhìn sâu sắc của tác giả dựa trên kinh nghiệm có thật và Cảm hứng truyền lại từ một câu chuyện cuộc đời. “Đường ra biển lớn” không chỉ là cuốn tự truyện của Richard Branson mà còn là kho tàng triết lý cuộc sống, kinh doanh và tình yêu đã góp phần làm nên một trong những doanh nhân thành công nhất của thời đại.

2- Jeff Bezos và Kỷ Nguyên Amazon, tác giả Brad Stone

Amazon là câu chuyện của một người sáng lập đầy tài năng đã hoàn toàn tự mình định hướng tầm nhìn chiến lược,” Eric Schmidt, chủ tịch của Google – một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Amazon, phát biểu. Chính bản thân ông cũng là thành viên của dịch vụ Amazon Prime – giao hàng trong hai ngày của Amazon. “Sẽ chẳng có ví dụ nào hay hơn. Có lẽ chỉ có thể là Apple, nhưng người ta quên rằng hầu hết mọi người tin Amazon đã sụp đổ do không đạt được quy mô kinh doanh cần thiết để trang trải kết cấu chi phí. Công ty liên tục thua lỗ hàng trăm triệu đô la. Nhưng Jeff quả thực là người có tài ăn nói và rất thông minh. Ông là một mẫu người sáng lập doanh nghiệp có chuyên môn điển hình nên hiểu từng chi tiết nhỏ nhất và cẩn trọng xem xét mọi khía cạnh hơn bất kỳ ai.”

Mặc dù giá cổ phiếu của công ty tăng cao chóng mặt trong thời gian gần đây, nhưng Amazon vẫn là công ty ẩn chứa những vấn đề kỳ lạ. Những chỉ số quan trọng trên bảng cân đối kế toán nổi tiếng là thiếu sức sống, và việc mở rộng vào thị trường và phân mục sản phẩm mới thậm chí khiến công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2012. Nhưng Phố Wall dường như không quan tâm đến số liệu này. Jeff Bezos đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về việc đầu tư xây dựng công ty dài hạn nên tạo dựng lòng tin từ những cổ đông. Những nhà đầu tư sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi một ngày Jeff quyết định chậm lại quá trình mở rộng và nhận được lợi nhuận bền vững.  Bezos hoàn toàn không để ý tới ý kiến của người khác. Ông có khả năng giải quyết vấn đề, có tầm nhìn bao quát của một vị tướng chỉ huy trong cuộc chiến cạnh tranh và luôn hướng tới làm hài lòng khách hàng và cung cấp dịch vụ như giao hàng miễn phí. Ông có những tham vọng vô cùng lớn – không chỉ đối với Amazon, mà còn để thúc đẩy mở rộng giới hạn của khoa học và xây dựng lại lĩnh vực truyền thông.

Không chỉ thành lập công ty nghiên cứu vũ trụ Blue Origin của riêng mình, Bezos còn thâu tóm tờ báo gặp khó khăn Washington Post vào tháng 8 năm 2013 với giá 250 triệu đô la, một thương vụ gây choáng váng cho giới truyền thông. Như nhiều nhân viên dưới quyền chứng thực, làm việc với Bezos rất khó khăn và vất vả. Mặc dù, nổi tiếng với nụ cười nồng nhiệt và vui vẻ, Bezos có thể nổi giận gay gắt giống như người sáng lập của Apple, Steve Jobs, người có thể làm khiếp sợ bất kỳ nhân viên nào bước vào thang máy cùng ông. Bezos theo chủ nghĩa lãnh đạo hoàn hảo, quan tâm theo dõi đến từng chi tiết nhỏ nhất, liên tục cho ra những ý tưởng mới và phản ứng gay gắt với những nỗ lực làm việc không đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của ông. Giống như Jobs, Bezos thuộc tuýp người có khả năng bóp méo thực tại – vẽ ra viễn cảnh tươi sáng đầy thuyết phục nhưng rút cuộc thì lại chẳng mấy khi khiến họ thỏa mãn về công ty. Ông thường nói rằng sứ mệnh của Amazon là “phải nâng cao chuẩn mực trong các lĩnh vực và trên toàn thế giới với mục tiêu tập trung hướng tới khách hàng.” Bezos và nhân viên thực sự tập trung hướng tới đem lại lợi ích cho khách hàng, nhưng đồng thời cũng cạnh tranh không ngừng với đối thủ và thậm chí với cả đối tác. Bezos thích nói rằng thị trường Amazon tham gia cạnh tranh kinh doanh rộng lớn với rất nhiều cơ hội cho nhiều công ty thành công. Điều này có lẽ đúng, nhưng rõ ràng Amazon góp phần gây thiệt hại hoặc phá hủy những đối thủ cạnh tranh dù có quy mô kinh doanh lớn hay nhỏ, rất nhiều trong số đó là những thương hiệu được thế giới biết đến như: Circuit City, Borders, Best Buy, Barnes & Noble.

Người Mỹ nói chung cảm thấy lo lắng về việc tập trung sức mạnh của những tập đoàn lớn, đặc biệt khi các tập đoàn đó có trụ sở ở những thành phố xa xôi. Thành công của những công ty này có thể thay đổi phong cách sống của toàn cộng đồng dân cư. Walmart là trường hợp điển hình phải đối mặt với sự hoài nghi này cùng với những cái tên khác như Sears, Woolworth’s, và gã bán lẻ tạp phẩm khổng lồ A&P phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền có thể gây phá sản trong suốt những năm 1940. Người Mỹ đổ xô tới những nhà bán lẻ lớn vì sự tiện lợi và giá thành thấp. Nhưng ở một mức giá nhất định, những công ty này nhận được lợi nhuận lớn gây mâu thuẫn trong cộng đồng. Chúng tôi muốn hàng hóa giá rẻ, nhưng chúng tôi cũng không thực sự muốn bất kỳ ai phải từ bỏ những cửa hàng độc lập quy mô gia đình trên những con phố hoặc những cửa hàng sách nhỏ đã kinh doanh trong nhiều thập kỷ do sự phổ biến của chuỗi cửa hàng sách như Barnes & Noble và giờ đây là Amazon.

Đây là cuốn sách yêu thích nhất của Robert Jakobi, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của BOU, công ty chuyên cung cấp thực phẩm sạch. Theo ông Robert Jakobi, cuốn sách đã truyền cảm hứng cho ông bằng việc chứng minh thành công có thể đạt được thông qua việc không ngừng theo đuổi tiến bộ và bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể được định hình lại bằng việc sáng tạo không ngừng. Tất cả được thể hiện thông qua câu chuyện về Jeff Bezos – một trong những nhà tài phiệt đi đầu về cải tiến nhưng cũng là người nổi tiếng khó tính, khó chịu.

3- Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn, tác giả Tony Robbins

Đa phần mọi việc chúng ta làm đều hướng tới mục đích là thay đổi cảm nhận của bản thân – nhưng chúng ta ít khi hoặc chẳng bao giờ được hướng dẫn cách thực hiện điều này thật nhanh chóng và hiệu quả. Chúng ta thường xuyên sử dụng trí óc để tự dồn ép mình vào những trạng thái cảm xúc tiêu cực, và quên mất những khả năng vốn có. Rất nhiều người phó mặc cho điều kiện ngoại cảnh chi phối những cảm xúc của mình – những điều mà lẽ ra ta hoàn toàn có thể kiểm soát – rồi lại dựa vào những giải pháp “chữa cháy” tạm thời.”

Đọc Đánh thức con người phi thường trong bạn, bạn sẽ phát hiện ra những lý do xui khiến bạn tiếp tục hành động theo thói cũ, và tác nhân gây ra những cảm xúc mà bạn thường gặp nhất. Tiếp theo, bạn sẽ được hướng dẫn từng bước để xác định những cảm xúc nào củng cố thêm sức mạnh, cảm xúc nào triệt tiêu động lực tinh thần, và cách tận dụng cả hai loại theo hướng có lợi nhất để xúc cảm không còn là chướng ngại, mà thay vào đó sẽ trở thành một công cụ đắc lực hỗ trợ bạn phát huy tối đa tiềm năng của mình và “người khổng lồ” trong bạn nhất định sẽ được đánh thức.

Damian Maldonado, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của American Financing ca ngợi cuốn sách này hết mực. Đây chính là cuốn sách chỉ đường cho ông khi đặt chân vào giới tài chính Hoa Kỳ năm 1999, dạy ông cách đánh thức con người phi thường đang say ngủ trong mình bằng cách thay đổi thói quen, đề ra mục tiêu chiến lược và nâng tầm bản thân.

4 – 7 Chiến Lược Thịnh vượng và Hạnh phúc, tác giả Jim Rohn

Jim Rohn là một trong những diễn giả biết cách truyền động lực nhất. Đến thời điểm hiện tại, sự nghiệp phát triển bản thân và mang lại động lực cho mọi người của ông đã được 40 năm. Thêm vào đó, ông còn được biết đến như một nhà tư tưởng và một triết gia vĩ đại.

Ông đã làm việc với hàng triệu người và đã giúp họ đạt được thành công. Một trong số đó phải kể đến là Anthony Robins và Zig Ziglar.

Năm 25 tuổi, Jim Rohn tổng kết lại chặng đường đã qua và hoảng hốt nhận ra rằng cuộc sống của ông khác xa với những mục tiêu mà ông tự đặt ra cho mình. Giữa lúc tuyệt vọng đó, ông gặp Earl Shoaff, và học được từ người thầy tinh thần này những bài học cuộc sống vô cùng quý báu. Jim Rohn đã áp dụng những bài học này vào thực tế và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, một cuộc sống giàu có và hạnh phúc. Qua cuốn sách này, Jim Rohn muốn truyền thông với người đọc một cách đơn giản và trực tiếp về những ý tưởng sẽ tạo nên sự khác biệt trong cách thức thay đổi cuộc sống của mỗi người.

Bạn không cần phải lựa chọn giữa thịnh vượng và hạnh phúc – cả hai đều xuất phát từ một dòng chảy vô cùng phong phú. Với cuốn sách này, bạn sẽ khám phá ra bảy chiến lược đặc biệt mà bạn cần để thành công:

– Khám phá sức mạnh của những mục tiêu.

– Học hỏi kiến thức.

– Khám phá điều kỳ diệu của sự phát triển cá nhân.

– Kiểm soát tài chính của chính bạn.

– Làm chủ thời gian.

– Ở giữa những người chiến thắng.

– Học nghệ thuật sống tốt.

Những triết lý của Jim Rohn đã giúp hàng triệu người thay đổi cuộc sống của họ theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Hãy xem nó có thể làm gì cho bạn. “Khi đọc cuốn sách này, bạn hãy tưởng tượng mình đang mua hàng. Bạn chỉ nên mua và sử dụng những ý tưởng nào có thể áp dụng ngay cho mình. Bạn chắc chắc không cần phải tin mọi thứ mà người khác nói nhưng cũng phải thật sự dành cho mình một cơ hội. Hãy đọc những trang tiếp theo với tâm trí rộng mở. Nếu có điều gì phù hợp thì bạn hãy thử nghiệm, nếu điều gì không phù hợp thì hãy loại bỏ. Hãy nhớ rằng dù là học viên của bất kỳ môn học nào thì bạn cũng không chỉ đơn thuần là người đi theo.

Đây là cuốn sách yêu thích nhất trong hàng trăm cuốn sách về kinh doanh và phát triển cá nhân mà ông Tim Chatfield, đồng sáng lập và cũng là CEO của Jitjatjo đã từng đọc. Cuốn sách 7 chiến lược Thịnh vượng và Hạnh phúc (7 Strategies for Wealth and Happiness) giúp ông nhận ra mình là ai, mục tiêu trong cuộc sống là gì, tìm kiếm tri thức ở đâu, kiểm soát tài chính và thời gian như thế nào, xây dựng và kết nối đội ngũ nhân viên ra sao… Tất cả những quan điểm của Jim Rohn trong cuốn sách đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng kinh doanh của Tim Chatfield.

5- Vị giám đốc một phút và con khỉ, tác giả Ken Blanchard, William Oncken Jr. và Hal Burrows

Todd Thibodeaux, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghệ CompTIA cho biết, ông yêu cuốn sách này bởi nó đã truyền cho ông nguồn cảm hứng bất tận trong việc điều hành và quản lý công việc. Nó dạy ông giúp nhân viên lập ra mục tiêu một phút, đồng thời phải luôn dành ra một phút khen ngợi những thành quả tốt của nhân viên để khích lệ tinh thần làm việc của mọi người và một phút khiển trách đối với các việc làm sai trái của nhân viên để giúp họ hiểu rõ trách nhiệm của mình và hoàn thiện bản thân.

6 – Châu Á Thần Kỳ – Thiên Sử Thi Về Hành Trình Tìm Kiếm Sự Thịnh Vượng Của Châu Á, tác giả Michael Schuman

Chưa qua một thế hệ, châu Á đã vươn lên từ hàng trăm năm đình trệ thành một lực lượng mới nổi của kinh tế toàn cầu. Chuyển biến này đã và đang diễn ra ngoạn mục đến nỗi một số người gọi đó là một phép màu. Nó đã xảy ra như thế nào? Dẫn dắt độc giả từ các bến tàu của Hàn Quốc đến những hội trường trong Bộ Tài chính Ấn Độ, Châu Á thần kỳ sẽ đề cập chi tiết những quyết định táo bạo và sự hi sinh bản thân anh dũng để hành trình đi lên của châu Á trở thành hiện thực. Đi qua 9 quốc gia và khảo sát kỹ lưỡng những sự kiện lịch sử cốt lõi, Phép màu không những soi rọi vào sự vươn lên phi thường của châu Á về mặt kinh tế mà còn lý giải những nguyên nhân có lẽ đã giúp giải phóng thế giới đang phát triển khỏi vấn nạn đói nghèo đồng thời dẫn dắt thế giới phát triển tới bến bờ thịnh vượng hơn.

Qua hơn 10 năm viết báo và phân tích, phóng viên tạp chí TIME từng làm việc cho tờ Wall Street Journal, Michael Schuman đã khám phá quá trình thuê ngoài (outsourcing) châu Á bắt đầu như thế nào; các công ty nổi tiếng nhất của châu Á như Sony và Honda thành những tập đoàn toàn cầu ra sao; sự thay đổi công nghệ và chuyển hướng kinh tế toàn cầu đã tác động khiến châu Á phất lên bằng cách nào. Tác giả đã phát hiện khía cạnh con người đầy hấp dẫn của câu chuyện kinh tế này, giới thiệu tới độc giả những nhân vật chính trị mạnh mẽ, những doanh nhân và những nhà hoạch định chính sách đã biến Phép màu thành sự thật. Chuyện kể lịch sử lôi cuốn này đã dẫn dắt mềm mại, hấp dẫn tư tưởng và hành động của một nhóm đa dạng những con người châu Á, từ các nhà độc tài đến các nhà dân chủ, từ các tướng lĩnh hay các nhà kỹ trị cho đến các nhà kinh tế và các kỹ sư.

Một số nhân vật trong cuốn sách này từng thu hút sự chú ý của thế giới trong nhiều năm qua, chẳng hạn như Đặng Tiểu Bình – nhà cải cách của Trung Quốc hay Akio Morita –người sáng lập Tập đoàn Sony. Những người khác ít nổi tiếng hơn, trong đó có Park Chung Hee – người kiến thiết Hàn Quốc với chủ trương siêu tiết kiệmLiễu Truyền Chí –người sáng lập công ty sản xuất máy tính Trung Quốc Lenovo dám nghĩ dám làm, Azim Premji – bộ óc chiến lược đứng đằng sau công ty Wipro, một trong những gã khổng lồ về công nghệ của Ấn Độ. Tất cả họ đều cùng có chung một giấc mơ là nâng châu Á lên một vị thế phồn vinh có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới và xóa bỏ vòng vây hãm của đói nghèo.

Châu Á thần kỳ không những đem đến cho độc giả một cái nhìn sâu sắc về châu Á cùng sự thịnh vượng và sức mạnh đang gia tăng của khu vực này mà còn cho thấy những sự thay đổi chấn động đó sẽ tiếp tục phản chiếu qua nền kinh tế thế giới như thế nào. Sự đi lên trong kinh tế của châu Á so với phần còn lại của thế giới đang tạo ra nhiều ngạc nhiên, hứa hẹn nhiều triển vọng và đem lại nhiều cảm hứng. Độc giả của Châu Á thần kỳ sẽ hiểu sâu sắc về vị trí của châu Á trong nền kinh tế thế giới cũng như bổ sung cho mình nhiều thông tin bổ ích.

Đối với Larry Braitman, Chủ tịch hội đồng quản trị của CureJoy, chuyên cung cấp các lời khuyên chuyên môn về chữa bệnh, thể dục thẩm mỹ, và sắc đẹp thì The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth lại là cuốn sách gây ông yêu thích nhất. Từ cuốn sách này, ông học được rằng tất cả các nhân vật đều có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế của một đất nước và có rất nhiều bài học, chính sách từ các nước phương Đông mà phương Tây nên chú ý (cuốn sách đề cập đến nhiều đất nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….)

7- Vương quốc sáng tạo, tác giả Catmull

Vương quốc sáng tạo là cuốn sách dành cho bất kỳ vị quản lý, lãnh đạo nào đang muốn dẫn dắt nhân viên của mình lên một tầm cao mới, là cuốn cẩm nang cho bất kỳ ai đang nỗ lực tìm kiếm yếu tố sáng tạo, độc đáo, và hơn hết là hành trình chưa bao giờ được kể vào trung tâm đầu não của Pixar Animation – các buổi họp, hội thảo, các kế hoạch mới và các buổi họp của Braintrust. Hơn tất cả, đây là cuốn sách về cách xây dựng một nền văn hóa sáng tạo, và như nhà đồng sáng lập và chủ tịch của Pixar – Ed Catmull viết “là sự diễn giải những ý tưởng mà tôi tin là đã thúc đẩy những năng lực tuyệt vời nhất của chúng tôi bừng nở”.

Trong khoảng 20 năm gần đây, Pixar thống trị thế giới phim hoạt hình, sản xuất ra những bộ phim đầy giá trị yêu thương như Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), Finding Nemo (Đi tìm Nemo), Up (Vút bay) và WALL-E. Trong cuốn sách này, Catmull sẽ tiết lộ những ý tưởng và kỹ thuật đã giúp Pixar trở nên sáng tạo và được ngưỡng mộ cũng như đem về những khoản lợi nhuận khổng lồ đến như vậy.

Vương quốc sáng tạo (Creativity, Inc) là một trong những cuốn sách yêu thích nhất của Chad Parks, Người sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành của Uniquity – Công ty chuyên cung cấp các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông, “đây có thể không phải cuốn sách mới mẻ nhưng những giá trị mà nó mang lại thì vẫn vô cùng thiết thực. Không cần phải làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, cuốn sách vẫn đem lại cảm hứng cho bất kỳ vị quản lý, lãnh đạo nào đang muốn dẫn dắt nhân viên của mình lên một tầm cao mới”.

Trích dẫn…..

Suốt 13 năm qua, tại phòng hội nghị lớn của Pixar được gọi là West One, luôn đặt một chiếc bàn. Mặc dù chiếc bàn ấy rất đẹp, nhưng càng ngày tôi càng thấy ghét nó. Chiếc bàn đó dài và mảnh, giống như những chiếc bàn ăn của một cặp vợ chồng già giàu có trong những bộ phim hài, nơi mỗi người ngồi một đầu bàn, ở giữa đặt một cây đèn nến, và họ phải hét lên để có thể trò chuyện với nhau. Steve đã đặt hàng chiếc bàn từ một nhà thiết kế nổi tiếng, cho nên không nghi ngờ gì khi nó trông rất trang nhã, nhưng mặt khác, nó gây bất tiện cho công việc của chúng tôi.

Hàng ngàn cuộc thảo luận về những bộ phim của chúng tôi đã diễn ra quanh chiếc bàn đó – 30 người ngồi đối diện nhau thành hai hàng dài, một số khác ngồi dọc các bức tường – việc phân tán chỗ ngồi này thực sự khiến chúng tôi khó giao tiếp với nhau. Đối với những người ít may mắn phải ngồi ở phía hai đầu bàn, các ý tưởng chẳng thế nào được truyền đạt hết đến họ bởi nếu không nghển cổ lên thì bạn sẽ không thể nào giao tiếp bằng mắt được. Hơn nữa, để có thể lắng nghe ý kiến từ mọi người, giám đốc và nhà sản xuất phim phải được ngồi ở vị trí trung tâm bàn họp. Đó là những nhà lãnh đạo sáng tạo của Pixar gồm: John Lasseter, nhân viên sáng tạo, tôi, và rất nhiều vị giám đốc, nhà sản xuất và biên kịch dày dạn kinh nghiệm nhất. Để đảm bảo đội ngũ này luôn ngồi cạnh nhau, những chiếc thẻ chỗ ngồi ra đời. Thậm chí vị trí chỗ ngồi cũng được sắp xếp như vậy tại các buổi tiệc tối.

Khi xét đến khía cạnh cảm hứng sáng tạo, cá nhân tôi tin rằng chức vụ và hệ thống cấp bậc sẽ trở nên vô nghĩa. Song, sự hiện diện của chiếc bàn và những tấm thẻ chỗ ngồi lại truyền tải một thông điệp trái ngược: đó là vị trí ngồi của bạn càng gần trung tâm, bạn càng có tầm quan trọng cao. Thêm vào đó, khi bạn ngồi cách xa trung tâm, bạn sẽ càng ít muốn lên tiếng và khoảng cách giữa bạn và trung tâm cuộc thảo luận khiến bạn có cảm giác như thể đang bắt mọi người phải lắng nghe mình nói. Nếu chiếc bàn trở nên quá chật, trên thực tế điều này thường xuyên xảy ra, thì sẽ có nhiều người phải ngồi ở những chiếc ghế xếp dọc các bức tường xung quanh phòng, việc này tạo ra một hệ thống ba bậc (những người ngồi ở trung tâm bàn họp, những người ngồi ở hai đầu, và những người ngồi xa bàn họp). Mặc dù là vô tình song rõ ràng hệ thống ba bậc này đã cản trở sự hăng hái góp ý của mọi người trong các cuộc thảo luận.

Trong suốt một thập kỷ qua, chúng tôi đã tổ chức vô số cuộc họp quanh chiếc bàn này theo cách như vậy mà hoàn toàn không nhận thức được việc đó đã làm xói mòn các nguyên tắc cốt lõi của chúng tôi ra sao. Vậy tại sao chúng tôi lại không thấy được điều này? Bởi vị trí và những tấm thẻ chỗ ngồi đã được sắp xếp sao cho thuận tiện nhất cho những người lãnh đạo, bao gồm cả tôi. Thành thực mà nói, chúng tôi chẳng thấy gì lạ là bởi chúng tôi là trung tâm, sao có thể thấy lạc lõng được cơ chứ. Trong khi đó, những người khác, nhưng người không ngồi ở vị trí trung tâm, lại cảm thấy rõ ràng việc sắp xếp đó đã tạo ra một trật tự thứ hạng như thế nào, nhưng họ lại phỏng đoán chắc rằng những người lãnh đạo (chúng tôi) cố tình làm như vậy. Và họ thì là ai mà có quyền lên tiếng phàn nàn?

Mãi cho đến khi chúng tôi có một cuộc họp trong một căn phòng nhỏ hơn, bên một chiếc bàn hình vuông, John và tôi mới nhận ra điều sai sót đó. Quanh chiếc bàn vuông ấy, sự tương tác, dòng chảy ý tưởng và việc giao tiếp qua ánh mắt đều trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Mỗi người ở đó, dù là chức vụ gì, đều thoải mái nêu lên quan điểm cá nhân. Đó không chỉ là những gì chúng tôi mong muốn, mà đó còn là niềm tin cốt lõi của Pixar:  Giao tiếp tự do bất kể vị trí của bạn là gì.Với chiếc bàn dài và mảnh ấy, chúng tôi đã quá thỏa mãn với vị trí của mình đến nỗi hoàn tàn không nhận ra mình đang hành xử trái ngược với nguyên tắc cơ bản đó. Càng ngày chúng tôi càng rơi vào một cái bẫy vô định. Mặc dù chúng tôi nhận thức được sự sôi nổi trong phòng chính là chìa khoá cho mọi cuộc thảo luận hiệu quả, và dù chúng tôi tin rằng chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm những sai sót của mình, song chính sự ưu ái về vị trí ngồi đã làm lóa mắt chúng tôi.

Hào hứng với nhận thức mới của mình, tôi đi đến phòng trang thiết bị và khẩn thiết yêu cầu: “Làm ơn nhé, tôi không cần biết bằng cách nào nhưng xin các anh hãy mang chiếc bàn đó ra khỏi đây.”

Bạn đã đọc những cuốn sách nào trong 7 cuốn sách thaydoicahnghi giới thiệu này? Hãy chia sẻ cảm nhận của mình ở bên dưới nhé.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung